`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXVIII Thứ 7 và Thánh Magarita Alacoque cùng Thánh Hedviga lễ ngày 16-10


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 13. 16-18

 

"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: "Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc". (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế".

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43

 

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

 

Xướng: 1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.

 

2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.

 

3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.

 

Alleluia: Dt 4, 12

 

Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 8-12

 

"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.

 

"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Thứ Bảy cuối Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn cùng với Bài Đọc 1 cho năm lẻ trong ngày tiếp tục đề tài về đức tin công chính hay về người lành sống bởi đức tin.

 

Thật vậy, theo lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm, thì người lành sống bởi đức tin là người tỏ ra hiên ngang làm chứng cho sự thật, tức làm chứng cho Chúa Kitô, không sợ hãi khi bị bách hại, hay sợ hãi kẻ bắt bớ mình, trái lại, họ sống như đang ở trước nhan Thiên Chúa là Đấng ngự trong họ bằng Thánh Thần của Ngài, để Ngài có thể tỏ mình ra trong họ và qua họ ở vào chính những cơn gian nan thử thách cần đến đức tin bất khuất của họ. 

 

Đó là tất cả ý nghĩa của những gì "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào'". 

 

Trong đoạn "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" trên đây, có tất cả là 3 câu, nhưng hình như câu thứ hai hơi lạc đề, không dính dáng gì với câu trước và câu sau, đó là câu: "Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha". Chẳng lẽ câu này Người có ý cảnh báo cho các môn đệ của Người về hai thứ tội: một tội có thể tha được là tội phạm đến Con Người và một tội không thể tha được là tội phạm đến Thánh Thần?

 

Có nghĩa là nếu các môn đệ của Người chẳng may vì yếu đuối sợ hãi quá hoặc đau đớn quá không dám làm chứng cho Người, "chối bỏ Thầy trước mặt người đời", thì tội của họ vẫn có thể được tha thứ, như trường hợp đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô sau này, vị tông đồ đã chối Thày 3 lần nhưng vẫn được tha, bởi ngài vẫn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa sau khi ngài vừa chối lần thứ ba xong liền bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thày quay lại nhìn ngài (xem Luca 22:61).

 

Sở dĩ tội "phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha" là bởi vì, đối với chính Con Người là Chúa Giêsu Kitô, những ai phạm đến Người nhìn bề ngoài cũng chỉ là một con người tầm thường như họ, không thể nào là Thiên Chúa như họ nghĩ, đều là những con người hoàn toàn "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34). 

 

Thậm chí dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo dân chúng nói riêng, bề ngoài nhất định chối bỏ Người, cố ý lên án tử cho Người và cương quyết xin Tổng Trấn Philato giết Người cho bằng được, vẫn được vị tông đồ đã chối Thày 3 lần là Phêrô tỏ ra hoàn toàn cảm thông trong bài giảng ở Giêrusalem sau khi ngài chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, như sau: "Thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức, như các vị lãnh đạo của anh em đã làm vậy" (Tông Vụ 3:17).

 

Thế nhưng, một khi tình trạng "vô thức - ignorance" (Tông Vụ 3:17) ấy của con người, tình trạng "không biết - do not know" (Luca 23:34) ấy nơi con người, một tình trạng vẫn còn có thể được tha thứ, một tình trạng mà một khi đã được Thiên Chúa bù đắp cho bằng Thánh Thần của Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự kể cả thâm tâm của Thiên Chúa (xem 1Corinto 2:10), để "Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào", con người vẫn không dám làm chứng cho sự thật, vẫn không dám làm chứng cho Chúa Kitô, vẫn chối Chúa Kitô, thì bấy giờ mới là tội "phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha".

 

Nội dung của bài Phúc Âm là về đức tin, một đức tin không biết sợ phàm nhân: "Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác", nhưng kính sợ Thiên Chúa, "Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục", một đức tin vào Đấng quan phòng thần linh: "Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ". Nội dung của Bài Đọc 1 theo Thư Roma của Thánh Phaolô cũng đức tin, một đức tin gương mẫu của tổ phụ Abraham, được Thánh Phaolô nhắc lại trong Bài Đọc 1 hôm nay:

 

"Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: 'Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc'. (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: 'Dòng dõi ngươi sẽ như thế'".

 

Nếu đối tượng của đức tin là chính Thiên Chúa, hay là chính mạc khải thần linh của Ngài, những gì Ngài tỏ mình ra, bao gồm cả lời hứa của Ngài, thì vì Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất, trung thành với tất cả những gì Ngài đã tự hứa, Ngài mới đáng tin tưởng. Và đó là những gì Bài Đáp Ca hôm nay nhắc tới:

 

1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

 

2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.

 

3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên


TN.XXVIIIL-7.mp3  

 

Ngày 16: 1. Thánh Hedviga, nữ tu

                

2. Thánh Margarita Maria Alacoque, đồng trinh

 

ThanhMargarita-

 

SuVuThanhTam.mp3 / https://youtu.be/UCzAjsVXJTg

 

ThanhHedviga.mp3 https://youtu.be/tEGXz34s5Io